Thủ tục thông báo, điều chỉnh, kiểm tra định mức đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài (Hệ thống VNACCS)

Ban hành tại Quyết định 1011/QĐ-BTC ngày 15/5/2014

1. Trình tự thực hiện:

- Bước 1: Xây dựng định mức thực tế sử dụng nguyên liệu, vật tư để sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

- Bước 2: Tạo thông tin về định mức nguyên liệu theo đúng các tiêu chí và định dạng chuẩn quy định tại mẫu Định mức nguyên liệu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu và gửi đến cơ quan Hải quan qua Hệ thống; Thông tin thông báo định mức phải thể hiện đầy đủ thông số kỹ thuật của sản phẩm liên quan đến việc xác định định mức;

- Bước 3: Tiếp nhận thông tin phản hồi hệ thống đã đăng ký định mức hoặc thực hiện chỉnh sửa định mức để khai lại trong trường hợp hệ thống phản hồi thông tin từ chối tiếp nhận;

- Bước 4: Trường hợp điều chỉnh định mức, người khai hải quan tạo thông tin điều chỉnh định mức theo đúng các tiêu chí và định dạng chuẩn và gửi đến cơ quan Hải quan qua Hệ thống;

- Bước 5: Tiếp nhận thông tin phản hồi và xuất trình, nộp hồ sơ để kiểm tra gồm: 02 bản chính Bảng điều chỉnh định mức gia công in theo mẫu Bảng đăng ký định mức; 01 bản chụp Chứng từ chứng minh (còn phế liệu, phế phẩm hoặc hóa đơn, chứng từ, tài liệu kỹ thuật).

2. Cách thức thực hiện:

Việc khai, tiếp nhận, xử lý thông tin khai hải quan, trao đổi các thông tin khác theo quy định của pháp luật về thủ tục hải quan giữa các bên có liên quan thực hiện thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

3. Thành phần, số lượng hồ sơ:

- Thành phần hồ sơ:

+ Tên thành phần hồ sơ 1: Mẫu định mức nguyên liệu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu (định dạng điện tử);

+ Tên thành phần hồ sơ 2: Bảng định mức gia công in theo mẫu Bảng đăng ký định mức(Bản chính);

+ Tên thành phần hồ sơ 3: Bản giải trình cụ thể, chi tiết về cơ sở phương pháp xây dựng định mức của mã hàng đã thông báo với cơ quan hải quan (Bản chụp);

+ Tên thành phần hồ sơ 4: Tài liệu thiết kế kỹ thuật của sản phẩm (Bản chụp).

- Số lượng hồ sơ: 01 bản điện tử. Trong trường hợp cần thiết mới yêu cầu 01 bản ở dạng giấy (riêng bảng định mức gia công in yêu cầu 2 bản chính).

4. Thời hạn giải quyết:

- Đối với trường hợp kiểm tra trên hồ sơ tại trụ sở cơ quan hải quan: chậm nhất 08 giờ làm việc kể từ khi bắt đầu kiểm tra phải thực hiện xong việc kiểm tra định mức.

- Trường hợp một hợp đồng/phụ lục hợp đồng có nhiều mã hàng cần kiểm tra định mức, trong 08 giờ làm việc không thể kiểm tra hết thì được kéo dài sang ngày làm việc tiếp theo nhưng thời gian kéo dài không quá 08 giờ làm việc kể từ khi bắt đầu kiểm tra;

- Đối với trường hợp kiểm tra hồ sơ kết hợp với kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất của thương nhân: chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi bắt đầu kiểm tra phải thực hiện xong việc kiểm tra định mức. Trường hợp sản phẩm sản xuất có tính đặc thù cần phối hợp với các cơ quan chuyên ngành thì thời gian kiểm tra không quá 02 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được kết quả giám định từ cơ quan chuyên ngành;

5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức

6. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Chi cục Hải quan

- Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có): Không

- Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Chi cục Hải quan

- Cơ quan phối hợp (nếu có): không

7. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Chấp nhận đăng ký trên hệ thống

8. Lệ phí: Không.

9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính: Mẫu thông tin về định mức thực tế của sản phẩm gia công theo mẫu số 9 phụ lục II Thông tư 22/2014/TT-BTC.

10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Người khai hải quan phải có chữ ký số được đăng ký

11. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

- Nghị định số 87/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại;

- Thông tư 22/TT-BTC ngày 14/02/2014 quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại