NHẬP KHẨU PHƯƠNG TIỆN CÓ TAY LÁI BÊN PHẢI

chúng tôi có nhập khẩu dòng máy có tay lái bên phải, có ba bánh và chỉ có chức năng quét dọn trong các công trình và không tham gia giao thông. Liệu công ty tôi có quyền nhập khẩu mặt hàng này hay không, mặt hàng này có thuộc các trường hợp được nhập khẩu của phụ lục 1 của Thông tư 13/2015/TT-BGTVT? Trong trường hợp chúng tôi không được chấp thuận thì chúng tôi có thể nộp công văn giải trình cho cơ quan hải quan hay là Bộ Giao thông vận tải

 

Vướng mắc nêu trên, Cục Hải quan Đồng Nai có ý kiến trao đổi như sau:

1./ Về chính sách hàng hoá và thủ tục:

- Căn cứ khoản 2 điều 1 Thông tư 13/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu gồm các loại phương tiện vận tải có tay lái bên phải nhưng trừ các loại phương tiện quy định tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này. Do đó, đề nghị công ty căn cứ thực tế công năng và thiết kế của hàng hoá để đối chiếu các loại hàng hoá nêu tại Phụ lục I để xác định chính xác hàng hoá có thuộc diện cấm nhập khẩu hay không.

Căn cứ Điều 5 Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

Điều 5. Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu

1. Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành và Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu quy định tại Phụ lục I Nghị định này.

2. Căn cứ Phụ lục I Nghị định này, các bộ, cơ quan ngang bộ công bố chi Tiết hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu kèm theo mã số hàng hóa (mã HS) trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Bộ Công Thương về Danh mục hàng hóa và thống nhất với Bộ Tài chính về mã HS.

3. Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định cho phép xuất khẩu hàng hóa cấm xuất khẩu; cho phép nhập khẩu hàng hóa cấm nhập khẩu nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh”.

          Nếu trường hợp thuộc Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thì thẩm quyền là Chính phủ xem xét chỉ với các mục đích trên.

2./ Về mã HS:

 - Do công ty không cung cấp tài liệu kỹ thuật, catalogue, hình ảnh của hàng hóa nhập khẩu nên Tổ tư vấn không thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi nêu trên. Công ty có thể tham khảo các văn bản quy phạm pháp luật sau để làm căn cứ xác định mã HS phù hợp:

+ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân tích phân loại hàng hóa.

+ Chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa của Hội đồng hợp tác Hải quan Thế giới.

- Căn cứ vào Biểu Thuế xuất nhập nhập khẩu ưu đãi 2017 ban hành theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ

    Lưu ý, căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Trung tâm phân tích phân loại của Hải quan (nay là Cục Kiểm định các khu vực). Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả phân tích phân loại xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.

-  Để xác định chính xác mã số HS, trước khi làm thủ tục hải quan, công ty có thể đề nghị xác định trước theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

Đề nghị công ty tham khảo nội dung quy định trên để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị công ty liên hệ trực tiếp Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.