Thủ tục hải quan đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ (Hệ thống VNACCS)

Ban hành tại Quyết định 1011/QĐ-BTC ngày 15/5/2014

1. Trình tự thực hiện:

*  Đối với doanh nghiệp xuất khẩu:

Bước 1:  Giao hàng hóa và các giấy tờ khác theo quy định đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu (trừ vận tải đơn - B/L) cho doanh nghiệp nhập khẩu;

Bước 2: Khai báo thông tin tờ khai xuất khẩu và khai vận chuyển kết hợp;

Bước 3: Xuất trình, nộp hồ sơ hải quan khi Hệ thống yêu cầu;

Bước 4:  Làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa theo quy định.

*  Đối với doanh nghiệp nhập khẩu:

Bước 1: Khai báo thông tin tờ khai nhập khẩu theo đúng thời hạn quy định trong đó dẫn chiếu tờ khai xuất khẩu tại chỗ tương ứng tại ô Phần ghi chú trên Tờ khai hải quan nhập khẩu; 

Bước 2: Xuất trình, nộp hồ sơ hải quan khi Hệ thống yêu cầu;

Bước 3: Làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa theo quy định.

* Đối với cơ quan hải quan:

- Bước 1: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra hàng hóa theo kết quả phân luồng của Hệ thống;

- Bước 2: Thông báo bằng văn bản về việc hoàn thành thủ tục nhập khẩu tại chỗ (theo mẫu số 29/TBXNKTC/2013 Phụ lục III Thông tư 128/2013/TT-BTC) cho cơ quan Thuế quản lý trực tiếp doanh nghiệp nhập tại chỗ để theo dõi và gửi cho doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ 01 bản.

2. Cách thức thực hiện:

Việc khai, tiếp nhận, xử lý thông tin khai hải quan, trao đổi các thông tin khác theo quy định của pháp luật về thủ tục hải quan giữa các bên có liên quan thực hiện thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;

3. Thành phần, số lượng hồ sơ:  

- Hợp đồng mua bán hàng hóa có chỉ định giao hàng tại Việt Nam (đối với người xuất khẩu), hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng gia công có chỉ định nhận hàng tại Việt Nam (đối với người nhập khẩu), hợp đồng thuê, mượn: 01 bản chụp;

- Hóa đơn xuất khẩu do doanh nghiệp xuất khẩu lập (liên giao khách hàng): 01 bản chụp;

- Các giấy tờ khác theo quy định đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu (trừ vận tải đơn - B/L).

4. Thời hạn giải quyết:

- Hệ thống phản hồi cho người khai hải quan ngay sau khi hệ thống tiếp nhận, công chức hải quan chấp nhận kết quả phân luồng/từ chối tờ khai trừ các trường hợp bất khả như nghẽn mạng, hệ thống đường truyền gặp sự cố...

 - Thời hạn hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải (tính từ thời điểm người khai hải quan đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu về làm thủ tục hải quan theo quy đinh tại điểm a và điểm b khỏan 1 Điều 16 Luật Hải quan):

+ Chậm nhất là 08 giờ làm việc đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu áp dụng hình thức kiểm tra thực tế một phần hàng hóa theo xác suất;

+ Chậm nhất là 02 ngày làm việc đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu áp dụng hình thực kiểm tra thực tế toàn bộ hàng hóa.

Trong trường hợp áp dụng hình thức kiểm tra thực tế toàn bộ hàng hóa mà lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu có số lượng lớn, việc kiểm tra phức tạp thì thời hạn kiểm tra có thể được gia hạn nhưng không quá 08 giờ làm việc.

5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, cá nhân

6. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Chi cục hải quan

- Người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện: không

- Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Chi cục hải quan

- Cơ quan phối hợp (nếu có): không

7. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Xác nhận thông quan lô hàng

8. Lệ phí: 20.000 đồng

9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính:

- Tờ khai hải quan điện tử đối vớihàng nhập khẩu theo mẫu số 1 phụ lục II Thông tư 22/2014/TT-BTC;

- Tờ khai hảiquan điện tử đối với hàng xuất khẩu theo mẫu số 2 phụ lục II Thông tư22/2014/TT-BTC.

10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Người khai hải quan phải có chữ ký số được đăng ký

11. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

- Nghị định số 87/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại;

- Thông tư số 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.